Hoạt động xã hội Giáo hoàng Gioan XXIII

Thông điệp Hòa bình trên Trái Đất

Năm 1959, Giáo hoàng Gioan XXIII cổ vũ những phong trào tín hữu ưu tiên phục vụ công tác xã hội. Học thuyết xã hội của Giáo hội đã được bổ sung bằng thông điệp "Hòa bình trên Trái Đất" của ông và được công bố vào ngày 11 tháng 4 năm 1963 gửi cho tất cả mọi người có thiện ý, nhấn mạnh đến nhân quyền, chống mọi hình thức kỳ thị và đặc quyền đặc lợi, lên án khái niệm "chiến tranh chủ nghĩa". Trên gường bệnh ông đọc sứ điệp cuối cùng trong đó có nêu:

Thưa quý chư huynh Thượng phụ, giáo chủ, tổng Giám mục, Giám mục... giáo sĩ và mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu cũng như mọi người thiện chí (...)

Những tiến bộ khoa học và những phát minh kỹ thuật đã thuyết phục được chúng ta điều này: trong mọi sinh vật sống động và trong những sức mạnh của vũ trụ, có một trật tự đáng khâm phục ngự trị, chính là sự vĩ đại của con người, có thể khám phá các trật tự này và có thể làm nên những dụng cụ, nhờ đó làm chủ những nguồn năng lực thiên nhiên và sử dụng chúng nhằm phục vụ con người (...)

Tất cả mọi người có quyền sống, quyền được toàn vẹn thể lý và hưởng dùng những phương tiện cần thiết và đầy đủ, cho một cuộc sống xứng đáng, thường liên quan đến vấn đề cơm ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, thuốc men và an sinh xã hội (...)

Mọi người có quyền tôn thờ Thiên Chúa theo đúng lề luật chân thật của lương tâm, và có thể tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời tư cũng như công...; quyền tự do chọn lựa bậc sống (...); quyền có việc làm và sáng kiến trong lãnh vực kinh tế (...). Chúng tôi nhìn nhận Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hợp Quốc (10-12-1948) như là một bước tiến hướng tới việc thành lập một tổ chức pháp lý chính trị cho công đồng nhân loại (...). Vì vậy chúng tôi mong mỏi sao cho Tổ chức Liên Hợp Quốc càng ngày càng thích nghi những cơ cấu và phương tiện hành động của mình. Mong sao cho tổ chức Liên Hợp Quốc sớm bảo vệ hữu hiệu được những quyền của con người (...).

Xin gởi những người thiện chí hiện đang gánh vác trọng trách bao la, là lặp lại những tương quan đời sống trong xã hội dựa trên những căn bản nền tảng của chân lý, công lý, nhân đạo và tự do: những tương quan giữa những tư nhân với nhau, giữa công dân với nhà nước, giữa những quốc gia, và sau cùng, tương quan giữa những cá nhân, gia đình, những đoàn thể trung gian một mặt với những quốc gia, và mặt khác với cộng đồng thế giới. Trọng trách cao cả hơn hết, bởi vì nó nhằm làm cho hòa bình chân thật ngự trị, trong trật tự do Thiên Chúa quyết định.

Bây giờ hơn bao giờ hết, trong những thế kỷ vừa qua, chúng ta có ý định chỉ phục vụ riêng người Công giáo, cương quyết bảo vệ trên hết mọi sự ở đâu có nhân quyền đụng chạm đến Giáo hội Công giáo; không phải là Phúc Âm có thay đổi nhưng chúng ta bắt đầu hiểu biết sâu xa hơn. Thời điểm đã đến, khi chúng ta nhận biết dấu thời gian, hãy nắm lấy cơ hội và hãy có một tầm nhìn thật xa và rộng.

Bình luận về thông điệp "Pacem in terris", ông U Thant, người Miến Điện, cũng là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói:

Tôi hết sức sung sướng và cảm xúc khi đọc bản thông điệp "Pacem in Terris", một thông điệp gửi cho toàn thể nhân loại bất phân tôn giáo, chủng tộc. Nhân dịp này tôi xin phép dâng lên Giáo hoàng Gioan XXIII tấm lòng tôn kính của tôi vì ông đã hết sức khôn ngoan, sáng suốt và không ngừng hoạt động cho hòa bình và cho sự tồn tại của nhân loại.

— U Thant

Giải thưởng Hòa Bình Balzan

Ông được nhận giải thưởng hòa bình Balzan. Ngày 1 tháng 3 năm 1963, Hội đồng tặng giải thưởng Hòa Bình Balzan gồm 37 thành viên thuộc 21 quốc tịch quyết định tặng giải Hòa Bình cho Giáo chủ (trong hội đồng có 4 thành viên Liên Xô, cả bốn vị đều nhất trí bỏ phiếu cho Giáo hoàng Gioan XXIII).

Hội đồng ra tuyên bố tặng giải Hòa Bình cho ông:

  1. Vì hòa bình giữa mọi người và giữa các dân tộc, do sự quan tâm không biết mệt mỏi của Giáo chủ để góp phần duy trì những quan hệ hòa bình giữa các nước, bằng cả những lời kêu gọi hòa bình gửi đến thiện chí của mọi người lẫn những hành động về ngoại giao mới đây.
  2. Vì tình huynh đệ giữa người với người và giữa các dân tộc, do sự đóng góp lớn lao của Giáo chủ cho tình huynh đệ ấy; cách riêng trong năm qua Giáo chủ đã mời đại diện các Giáo hội Kitô giáo khác; Chính thống và Tin lành đến dự và đặc biệt tham gia sinh hoạt Công đồng.
  3. Làm như thế, Giáo chủ đã khiến các tín hữu của các Giáo hội đó cũng như của Giáo hội Công giáo có một thái độ hiểu biết lẫn nhau cao hơn và đưa lại những hậu quả vừa nhiều vừa quan trọng.
  4. Giáo chủ đã thiết lập những sự giao tiếp mở rộng ra ngoài cả Cộng đồng Kitô giáo.

Chỉ trong vòng bốn năm của triều đại ông, Giáo hoàng Gioan XXIII đã tiếp kiến hơn 30 nhà lãnh đạo các quốc gia, nghĩa là hơn cả cố Giáo hoàng Piô XII trong suốt 19 năm trời.